Miêu tả Cửu vị thần công

Một hoạ tiết hoa văn trên cửu vị thần côngMột số hoạ tiết hoa văn trên cửu vị thần công

Các khẩu súng đều có cùng hình dáng và kiểu thức trang trí. Miệng súng hơi loe, thân thuôn dài, phình dần về phía đuôi. Giữa thân súng có 2 quai đúc nổi, cách điệu hình đầu lân. Trên thân súng có 6 gờ nổi, trong đó 2 gờ ở 2 đầu quai súng được đúc rộng bản như hai vòng đai bao quanh thân súng. Hai bên mỗi đường gờ đều trang trí những dải hoa văn hình hoa lá, được chạm nổi với đường nét mềm mại và rất tinh xảo.[4] Phía bên phải có khắc bài chế thuốc súng và có các loại đạn.

Mỗi khẩu thần công được đặt trên một giá súng (bệ súng) làm bằng gỗ, có gắn 4 bánh xe niềng sắt để di chuyển, và có thể xoay được như pháo hiện đại. Các giá súng đều được chạm trổ cực kỳ công phu và tỉ mỉ.

Tên gọi

Các khẩu thần công này lần lượt được đặt tên theo bốn mùa và ngũ hành theo thứ tự là Xuân - Hạ - Thu - Đông - Mộc - Hỏa - Thổ - Kim - Thủy). Tên gọi mỗi cỗ súng được khắc nổi tại vị trí núm ở cuối mỗi súng.

Vị trí

Chín cỗ súng lúc ban đầu được đặt ở lũy ngoài Hoàng thành, nằm về phía trái của Ngọ Môn, nòng súng hướng ra ngoài thành (hướng về phía Nam). Vị trí này phía bên trong Hoàng thành là Tả Xưởng Tướng Quân (còn gọi là Pháo Xưởng).

Dưới thời vua Tự Đức cũng có đúc 9 khẩu súng thần công khác tương tự Cửu vị thần công, nhưng nhỏ hơn chút ít, và đặt ở bên phải của Ngọ Môn. Chín khẩu súng nhỏ hơn này sau đó được điều vào tham chiến ở Gia Định, Sơn Trà (Đà Nẵng), Thuận An (Huế).[3]

Năm 1917, dưới thời vua Khải Định, toàn bộ Cửu vị thần công được chuyển ra khỏi Hoàng thành đến khu vực Kỳ đài, và giữ nguyên vị trí cho đến nay.[5] Tại đây, các cỗ súng được xếp thành hai nhóm quay mặt vào nhau. Nhóm bên tả (trái) xếp phía sau cửa Thể Nhân gồm 4 khẩu có tên theo 4 mùa (theo thứ tự từ trong ra là Xuân, Hạ, Thu, Ðông); nhóm bên hữu (phải) xếp phía sau cửa Quảng Đức gồm 5 khẩu có tên theo ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).

Kích thước

Mỗi khẩu thần công đều dài 5,1 m. Đường kính trong nòng là 0,22m; đường kính ngoài nòng đoạn giữa là 0,54m. Giá súng bằng gỗ dài 2,75m; cao 0,73m; bánh xe của đế súng có đường kính 0,62m.[3]

Khối lượng

Bốn khẩu có tên Xuân, Hạ, Thu, ĐôngNăm khẩu trong Cửu vị thần công có tên Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ

Khối lượng "Cửu vị thần công" được tính theo cân trong Hệ đo lường cổ của Việt Nam.[6] Khối lượng của từng cỗ súng được xác định trong khi làm, và được khắc trực tiếp trên thân súng.

Sách Đại Nam thực lục viết về bộ Cửu vị thần công này như sau: “Quý Hợi, Gia Long năm thứ 2 (1803)... đúc chín khẩu súng bằng đồng, (lấy bốn mùa và năm hành mà đặt tên, cái thứ nhất là Xuân, nặng hơn 17.700 cân, cái thứ hai là Hạ, nặng hơn 17.200 cân, cái thứ ba là Thu, nặng hơn 18.400 cân, cái thứ tư là Đông, nặng hơn 17.800 cân, cái thứ năm là Mộc, nặng hơn 17.100 cân, cái thứ sáu là Hỏa, nặng hơn 17.200 cân, cái thứ bảy là Thổ, nặng hơn 17.800 cân, cái thứ tám là Kim, nặng hơn 17.600 cân, cái thứ chín là Thủy, nặng hơn 17.200 cân). Đúc xong, làm bài minh để ghi."[2]

Hoa văn

Có tám dải hoa văn trang trí hình hoa lá chạy quanh thân súng. Giữa thân súng có gắn hai quai lớn chạm hình hai con lân. Ở gờ cuối cùng gần khối hậu trên thân mỗi súng có hai hàng chữ Hán; hàng trên có ba chữ "Mệnh Gia Long" (Lệnh vua Gia Long ban xuống); hàng dưới được chia thành hai phần, phần bên phải ghi danh hiệu và vị thứ của từng súng trong nhóm 9 cỗ súng (ví dụ: "Danh Thần oai Vô địch Thượng tướng quân cửu lập đệ nhất" - súng được xếp thứ nhất trong chín vị có tước là Thần oai Vô địch Thượng tướng quân), phần bên trái ghi năm tháng phong tước ("Thập ngũ niên tuế thứ Bính Tý cát nguyệt nhật" - được phong tước năm Gia Long thứ 15 (Bính Tý) vào ngày tháng tốt). Phần trên thân súng (cách quai súng khoảng 14 cm) có ghi rõ tên, chức tước của bốn người trong hội đồng đốc công chế tạo súng.